Khẳng định việc mời thầu tại các lô nằm trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là trái Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Đỗ Văn Hậu đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không dự thầu.
Trao đổi tại buổi họp báo chiều 27/6 xung quanh việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò - khai thác tại 9 lô trên Biển Đông, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí - Đỗ Văn Hậu cho biết, qua kiểm tra, xác minh tọa độ, PVN xác định tất cả các khu vực này đều nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam.
Khu vực Trung Quốc gọi thầu nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh. |
Khu vực rộng hơn 160.000 km2 này cũng nằm chồng lên các lô 128 - 132 và 145 - 156 mà PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí lâu nay. Đây cũng là khu vực không có tranh chấp trên biển.
Theo lãnh đạo PVN, vùng biển phía Trung Quốc gọi thầu chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi 76 hải lý, cách phía bắc Nha Trang 60 hải lý. Khoảng cách gần nhất đến vùng giữa Nha Trang và Phan Thiết chỉ là 57 hải lý. Vùng này cũng chỉ cách đảo Phú Quý 30 hải lý và là nơi được PVN tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu. Năm 2011, tàu Bình Minh 02 cũng bị tàu Trung Quốc cắt cáp trên vùng biển này. |
Trước sự việc này, PVN khẳng định, việc chào thầu của CNOOC, dưới sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc, là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế. Hành động này cũng vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, gây phức tạp tình hình Biển Đông.
Theo PVN, đây cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp Trung Quốc công khai mời thầu hoạt động dầu khí tại vùng đặc quyền của Việt Nam. Mặc dù trước đó, bản thân CNOOC và PVN cũng đã có quan hệ với nhiều hợp đồng thăm dò, khai thác chung, trong đó có việc thăm dò chung vùng cấu tạo vắt ngang trong Vịnh Bắc Bộ.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối việc CNOOC có hành động gọi thầu trái phép và yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng các thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên, hủy bỏ ngay việc làm nêu trên. PVN cho biết, sẽ có thư chính thức gửi CNOOC trong những ngày tới và đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia bỏ thầu.
“Trong trường hợp phía Trung Quốc hoặc doanh nghiệp trúng thầu cố tình phớt lờ ý kiến của Việt Nam, PVN vẫn sẽ phản đối đến cùng”, ông Hậu quả quyết.
Trước lo ngại của các hãng thông tấn quốc tế xung quanh các hợp đồng hợp tác, khai thác giữa PVN và các đối tác nước ngoài sau vụ gọi thầu của Trung Quốc, ông Đỗ Văn Hậu cho biết, tập đoàn hiện có 3 dự án thăm dò (chưa có hoạt động khai thác) với các đối tác nước ngoài là Gazprom (Nga), Exxon Mobil (Mỹ), ONGC (Ấn Độ) và một hợp đồng do chính PVN thực hiện. Lãnh đạo của PVN khẳng định, các hợp đồng này là phù hợp với luật pháp quốc tế, trên cơ sở quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, do đó, sẽ tiếp tục được triển khai bình thường, bất chấp việc gọi thầu của phía CNOOC.
“Chúng tôi cũng sẽ mở rộng việc hợp tác, thăm dò, khai thác ở các khu vực hiện chưa có dự án. Các hội thảo, buổi làm việc với đối tác cũng sẽ được tiến hành bình thường”, Tổng giám đốc PVN cho biết.
Một vấn đề cũng được báo giới quan tâm là luận điệu của Trung Quốc cho rằng trong số 9 lô gọi thầu, có 7 lô thuộc bể trầm tích Trung Kiến Nam, và 2 nằm trong bể Vạn An và Nam Vi Tây (đều theo cách gọi của Trung Quốc) với diện tích hơn 61.000 km2, đại diện Tập đoàn Dầu khí nhấn mạnh, do khu vực nêu trên nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên PVN “không quan tâm” đến việc Trung Quốc gọi đó là gì. “Tại Việt Nam, khu vực đó nằm trên bể Phú Khánh và một phần bể Nam Côn Sơn”, lãnh đạo này khẳng định.
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC). |
Ngày 23/6, sau khi Trung Quốc gọi thầu thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cũng đã nêu rõ đây là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông.
Việt Nam phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết những vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC)".
Tuần trước, sau có khi tin Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng, Việt Nam), lãnh đạo hai tỉnh, thành phố trên đã lên tiếng phản đối quyết định trên của phía Trung Quốc. Lãnh đạo của tỉnh Khánh Hoà và thành phố Đà Nẵng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của nước Việt Nam.
No comments:
Post a Comment