TT - Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất điều tra, đề nghị truy tố tội “nhận hối lộ” đối với nhóm cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Thanh Hóa.
Đoàn cán bộ của Bộ Công an đến làm việc với báo Tuổi Trẻ về loạt bài “Nhức nhối nạn mãi lộ” của nhà báo Hoàng Khương - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG |
Đây là nhóm CSGT có liên quan loạt bài “Nhức nhối nạn mãi lộ” của nhà báo Hoàng Khương đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 5 và 6-9-2011. Loạt bài này nằm trong tuyến bài “Chặn đứng thảm họa giao thông” do ban biên tập báo Tuổi Trẻ triển khai cho các phóng viên thực hiện vào tháng 7-2011, trong đó có nhà báo Hoàng Khương.
Đề nghị truy tố 2 CSGT
Bản kết luận điều tra xác định hai cán bộ CSGT là Lê Hồng Duân (37 tuổi, nguyên thiếu tá, tổ trưởng tổ 5 trạm CSGT quốc lộ 1A Công an tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Thanh Hải (27 tuổi, nguyên trung úy, cán bộ thuộc tổ 5) đã có hành vi đòi hối lộ và trực tiếp nhận 5 triệu đồng của chủ xe chở gỗ. Cơ quan điều tra cũng xác định bị can Nguyễn Văn Đôi (người dân có nhà gần trạm kiểm soát của tổ 5) tham gia nhận thế chấp giấy tờ xe, cho chủ xe vay nóng 5 triệu đồng để “chung” cho nhóm CSGT (tiền lãi 500.000 đồng/ngày). Theo cơ quan điều tra, hành vi của Lê Hồng Duân, Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Văn Đôi đã cấu thành tội nhận hối lộ (bị can Nguyễn Văn Đôi được xác định có vai trò giúp sức cho hai bị can Hải, Duân).
Theo kết luận điều tra, ngoài việc xử lý hình sự hai CSGT Duân và Hải, cơ quan điều tra xác định một số CSGT Thanh Hóa khác cũng có sai phạm đúng như nhà báo Hoàng Khương phản ánh. Cơ quan điều tra đã kiến nghị Công an tỉnh Thanh Hóa xử lý hành chính các CSGT này.
Đối với anh Hồ Tấn Phương (chủ xe chở gỗ) và Nguyễn Xuân Tình (lái xe) - những người đã giúp đỡ nhà báo Hoàng Khương thực hiện bài viết, cơ quan điều tra cho rằng hành vi của anh Phương, anh Tình đủ dấu hiệu của tội “đưa hối lộ” theo điều 289 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, anh Tình, anh Phương đã tích cực hợp tác, chủ động tố cáo lên các phương tiện thông tin đại chúng, có đơn tố giác và phối hợp với cơ quan điều tra làm sáng tỏ việc đòi và nhận hối lộ của một số CSGT Thanh Hóa. Vì vậy, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự của anh Phương, anh Tình. Theo kết luận điều tra, việc này nhằm động viên, khuyến khích những người đã lỡ phạm tội hợp tác với cơ quan có thẩm quyền cùng ngăn chặn tệ nạn tham nhũng.
Khởi tố vụ án từ chứng cứ của nhà báo
Để phát hiện vụ này, sau khi nhận được thông tin từ bạn đọc, Hoàng Khương đã thuê xe du lịch đi theo chiếc xe chở gỗ để tiến hành tác nghiệp. Trên đường đi, Hoàng Khương cùng ngồi trên chiếc xe chở gỗ với anh Phương và tài xế chở gỗ Nguyễn Xuân Tình để chứng kiến, ghi nhận việc “làm luật” của CSGT Thanh Hóa tại khu vực gần cây xăng Tùng Lâm thuộc huyện Tĩnh Gia.
Tất cả những nội dung trên được nhà báo Hoàng Khương bằng biện pháp nghiệp vụ đã ghi âm, chụp ảnh đầy đủ và phản ánh trong loạt bài “Nhức nhối nạn mãi lộ”. Loạt bài này đã nhận được hàng ngàn ý kiến phản hồi của bạn đọc, đánh giá cao công sức, sự dấn thân chống tiêu cực của phóng viên cũng như bày tỏ sự bức xúc, cần xử nghiêm nạn mãi lộ của CSGT.
Ngay sau loạt bài được đăng, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đến làm việc với ban biên tập báo Tuổi Trẻ và tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ về các sai phạm của CSGT. Từ đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra. Những hình ảnh, ghi âm mà nhà báo Hoàng Khương thu thập được xác định là chứng cứ trong hồ sơ vụ án.
(Theo Tuoitre.com )
Khuyến khích người dân tố cáo tiêu cựcTheo luật sư Ngô Chí Đan - Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: vụ việc tiêu cực của nhóm CSGT Công an Thanh Hóa chỉ bị đưa ra ánh sáng nhờ bài điều tra của Tuổi Trẻ, cụ thể là của phóng viên Hoàng Khương. Có thể nói nhà báo Hoàng Khương là một người có công trong việc phát hiện, tố cáo tiêu cực của nhóm CSGT này. Những chứng cứ mà nhà báo thu thập được rất có giá trị trong quá trình chứng minh tội phạm của cơ quan tố tụng. Có thể xác định nhà báo Hoàng Khương là nhân chứng trong vụ tiêu cực của nhóm CSGT trên. Việc cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự của tài xế, chủ xe tải chở gỗ đã đưa hối lộ cho nhóm CSGT Thanh Hóa là một cách xử lý phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự. Theo khoản 6 điều 289 Bộ luật hình sự, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và có thể được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản dùng để đưa hối lộ. Đây là những quy định của pháp luật nhằm khuyến khích, động viên người dân tích cực tố cáo tiêu cực, tham nhũng trong xã hội. Báo chí cũng là một trong những kênh tố cáo tiêu cực hiệu quả. |
No comments:
Post a Comment